Thông tin về loài chuột bạch
1. Đặc điểm
Chuột bạch hay còn được biết đến là loài chuột thí nghiệm, là những chú chuột có kích thước nhỏ bé thuộc bộ Gặm nhấm như đại đa số các loài chuột khác. Chúng được gọi là chuột thí nghiệm bởi rất dễ nuôi, vòng đời ngắn và có khả năng sinh sản nhanh cùng với bộ mã gen gần giống với con người. Sau đây là một số đặc điểm để nhận biết loài chuột bạch đáng yêu này:
- Chúng sở hữu bộ lông và cơ thể màu trắng duy nhất, đôi mắt của chúng khá nhỏ bé và có màu đỏ đặc trưng.
- Chúng có bộ hàm chắc khỏe, cùng với răng cửa to và dài giúp nhai và nghiền thức ăn dễ dàng.
- Chuột bạch có đôi tai khá to so với gương mặt, chúng di chuyển bằng cả 4 chân, rất linh hoạt và nhanh nhẹn. Trong đó 2 bàn chân trước có 4 ngón, còn 2 bàn chân sau có 5 ngón.
- Chiều dài của chuột bạch chỉ từ 10-12cm (không tính đuôi), trọng lượng khá nhẹ vào khoảng 50-60g.
Hình ảnh loài chuột bạch
2. Tính cách
Chuột bạch là loài động vật thích sống theo bầy đàn. Do đó nếu bạn nuôi chúng trong lồng thì nên nuôi từ 2 con trở lên để chúng không cảm thấy cô đơn. Tuy nhiên bạn không nên nuôi quá nhiều con đực để tránh chúng tấn công lẫn nhau mà phải có sự đan xen giữa con đực và con cái. Chuột bạch không quen với việc bạn cư xử thô bạo với chúng và chúng sẽ cắn lại nếu bị làm đau. Tuy nhiên, hầu hết những chú chuột của bạn sẽ trở nên ngoan ngoãn, dễ bảo nếu được huấn luyện và chăm sóc tốt. Khi chúng đã quen với môi trường sống mới thì sẽ trở nên bình tĩnh và vô cùng hòa nhập.
3. Tuổi thọ
Chuột bạch có tuổi thọ khá ngắn, nếu được chăm sóc tốt thì chúng có thể sống được từ 1-3 năm. Tuy vậy thì khả năng sinh sản của chúng cũng rất nhanh, do đó nếu có điều kiện, bạn nên nuôi nhiều chuột bạch cả giống đực lẫn giống cái trong chuồng để kích thích chúng sinh sản tạo lứa mới.
Cách nuôi chuột bạch đúng kỹ thuật
1. Lựa chọn giống
Bạn hãy lựa chọn những chú chuột bạch có vẻ ngoài khỏe mạnh, nhanh nhẹn, không bị nhiễm bệnh. Ngoài ra chúng cũng cần phải ăn tốt và có khả năng thích nghi cao với môi trường.
2. Thiết kế chuồng nuôi
Bạn có thể nuôi những chú chuột bạch của mình trong các bể cá thủy tinh hoặc trong các lồng làm bằng gỗ, tre nứa đều được. Lưu ý rằng nếu như bạn nuôi từ 3 chú chuột trở lên, bạn nên lựa chọn các bể có dung tích từ 40-50 lít, trên bể bố trí hệ thống thông khí để chúng có thể cảm thấy thoải mái trong sinh hoạt. Các lồng làm bằng tre, gỗ cũng thiết kế với kích thước tương tự.
Chuồng nuôi nên kín đáo để chuột không thoát ra ngoài được, nhưng vẫn phải có lỗ thoát khí để chúng có thể hít thở. Ngoài ra bạn nên thiết kế một cánh cửa cho phép đưa thức ăn vào bên trong để chăm sóc chúng dễ dàng. Phía dưới đáy của chuồng nuôi bạn nên lót mùn cưa hoặc gỗ vụn hoặc rơm rạ để chúng có thể sinh hoạt và ngủ nghỉ dễ dàng.
3. Bổ sung môi trường sống
Bên cạnh việc thiết kế chuồng nuôi chuột bạch, bạn nên lắp đặt bánh xe thể dục để giúp chúng có thể chạy nhảy, vận động. Lắp thêm hệ thống cầu thang, hầm chui nhằm tăng thêm sự thích thú cho chúng khi chơi đùa. Bạn bổ sung môi trường sống cho chúng sao cho hợp lý để những chú chuột của bạn cảm thấy thoải mái nhất có thể. Nhiệt độ môi trường phù hợp để chuột bạch có thể sinh sống tốt nên từ 20-25 độ C.
4. Thức ăn cho chuột bạch
Chuột bạch là loài gặm nhấm và ăn tạp, do đó bạn cho cái gì ngon là chúng đều có thể ăn được hết. Tuy nhiên để đảm bảo sức khỏe, hàm lượng dinh dưỡng nhằm giúp chúng không mắc bệnh và kéo dài tuổi thọ, bạn chỉ nên cho chúng ăn những thứ sau đây:
- Một số mẩu nhỏ trái cây tươi (chuối, táo, nho) hoặc rau củ (cà rốt, bông cải, rau diếp).
- Một ít cơm, khoai, sắn giàu tinh bột hoặc bánh quy, bánh ngọt.
- Một số loại hạt giàu chất béo có lợi và protein như hạt lạc, hạt điều, hạt óc chó, hạt dẻ, hạt hướng dương,...
- Nước uống hàng ngày.
5. Dọn vệ sinh chuồng, lồng sạch sẽ
Bạn nên dọn vệ sinh chuồng cho những chú chuột bạch một cách thường xuyên để giữ môi trường sống của chúng được sạch sẽ, thoáng mát. Nếu chuồng của bạn nuôi nhiều chú chuột khác nhau, bạn nên dọn vệ sinh từ 5-7 ngày/lần. Khi đó bạn cần thay mới lớp lót chuồng, lau sạch chuồng, làm sạch đồ chơi của chúng và cả khay đựng thức ăn, nước uống,...
Cách huấn luyện chuột bạch cơ bản
1. Bắt đầu một cách từ từ
- Bạn cần để chú chuột bạch của mình làm quen với môi trường sống mới khoảng vài ngày. Đồng thời duy trì sự tương tác của bạn đến chúng một cách thấp nhất để khiến chúng không cảm thấy sợ hãi.
- Sau đó hãy dần làm quen với chúng nhiều hơn, lấy thức ăn và đưa thật nhẹ nhàng cho chúng. Tuyệt đối không làm phiền khi chú chuột của bạn đang nghỉ ngơi.
- Bạn nên ngồi nhìn chúng mỗi ngày để chúng có thể quen với sự hiện diện của bạn.
2. Dạy chú chuột của bạn cách tin tưởng
- Khi chú chuột của bạn bắt đầu quen với môi trường sống, tập chơi với bánh xe thể dục hoặc đồ chơi trong lồng, bạn hãy thưởng thức ăn cho chúng.
- Khi đưa thức ăn cho chúng, bạn hãy để chúng thoải mái được ăn ngay trên tay của bạn, đừng sợ hãi chúng mà thu tay về ngay lập tức sẽ tạo cảm giác đề phòng cho chú chuột của bạn.
- Khi chú chuột bạch của bạn đã quen bạn nhiều hơn, chúng sẽ bò lên tay bạn để ăn thức ăn. Khi này hãy nhẹ nhàng vuốt ve chúng thôi nhé.
3. Cầm nắm chuột bạch đúng cách
Khi chú chuột của bạn leo lên tay, hãy nhẹ nhàng cầm nắm chúng, tuyệt đối không làm chúng bị đau. Hãy thường xuyên cầm chúng mang ra ngoài chơi, dần dần chú chuột của bạn sẽ quen và thân thiện với bạn nhiều hơn.
Các vấn đề về sức khỏe mà chuột bạch có thể gặp
Chuột bạch có nguy cơ gặp phải các khối u, thông thường chúng là những khối u ác tính và khiến chú chuột của bạn có nguy cơ tử vong cao. Các dấu hiệu bao gồm một khối u hoặc nổi cục sưng tấy có thể nhìn thấy được. Chú chuột của bạn sẽ có cảm giác thờ ơ hoặc sụt cân. Hầu hết các khối u có thể được phẫu thuật cắt bỏ nhưng có khả năng tái phát trở lại.
Một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng và phổ biến khác ở chuột bạch nói riêng và các loài gặm nhấm nói chung đó là tình trạng ướt đuôi. Đây là một căn bệnh về đường tiêu hóa do số lượng quá lớn vi khuẩn trong đường ruột gây ra. Nó có thể tiến triển nhanh chóng và có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Các triệu chứng bao gồm tiêu chảy, thờ ơ, chán ăn và đi lại khó khăn.
Chuột bạch cắn có sao không?
Theo như nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy, chuột bạch là loài vật khá lành tính và vô hại. Do chúng thường được sử dụng trong phòng thí nghiệm cho nên khả năng làm hại con người sau khi cắn là không thể xảy ra. Tuy vậy những chú chuột bạch khác sống trong nhà với các điều kiện sống không hợp vệ sinh và đảm bảo, chúng có thể trở thành nguồn bệnh dịch hạch nguy hiểm nếu không có biện pháp xử lý kịp thời. Do vậy mà bạn vẫn nên cẩn trọng nếu bị chú chuột của mình cắn phải.
Chuột bạch có giá bán bao nhiêu?
Những chú chuột nhỏ bé màu trắng đáng yêu này vô cùng phổ biến trên thị trường, nhất là trong các cửa hàng bán vật nuôi làm cảnh uy tín trên cả nước. Giá của chuột bạch cũng không hề đắt đỏ, chỉ từ 100.000 đến 200.000 đồng/con mà thôi. Với một số chú chuột được nhân giống phổ biến trong nước, giá thậm chí còn thấp hơn, chỉ khoảng 50.000 đồng/con.