Rau đắng là loại rau rất tốt cho sức khỏe, được sử dụng phổ biến trong bữa cơm của nhiều gia đình. Tuy vậy, nhiều người không biết rằng rau đắng lại được chia thành rau đắng biển và rau đắng đất. Mỗi loại rau sẽ có công dụng, cách dùng và liều dùng khác nhau nên bạn cần phân biệt chúng để có cách sử dụng hiệu quả.
Sơ lược về cây rau đắng
Rau đắng còn có tên gọi khác là cây xương cá, là loài cây thân thảo có thân và cành mảnh, thuộc họ rau răm. Rau có vị đắng, được sử dụng như một loại thảo dược trong các phương thuốc Y Học Cổ Truyền. Ngoài ra, cũng có thể sử dụng rau để ăn sống, sấy khô hoặc ăn trong bữa cơm hàng ngày như nấu canh, nấu lẩu, xào với tôm, thịt,...
Phân biệt rau đắng biển và rau đắng đất
Rau đắng có 2 loại là rau đắng biển và rau đắng đất, chúng có vị giống nhau khiến nhiều người khó phân biệt. Bạn có thể nhận dạng rau đắng biển và rau đắng đất thông qua một số đặc điểm như sau.
Đặc điểm bên ngoài
Đối với rau đắng biển (hay còn gọi là cây ruột gà, rau sam đắng, rau sam trắng, cây biển súc), đây là loại cây thảo sống lâu năm, mọc bò dài trên mặt đất. Cây có độ dài khoảng 10 - 20cm, lá mọng nước, hình trái xoan và không có cuống. Cây có hoa màu trắng 5 cánh, quả nhẵn và nhiều hạt nhỏ.
Còn rau đắng đất thì thường được gọi là rau đắng lá vòng, thân dài và nhẵn, mọc tỏa sát mặt đất. Chúng có khả năng phân nhánh khỏe nên thường mọc thành từng đám dày đặc và lấn át các loại cỏ khác. Lá rau hình mác, thuôn dài; hoa có màu lục nhạt, cuống dài và không có cánh hoa. Cây ra quả nhiều hàng năm, mùa hoa quả thường rơi vào tháng 4 - 7 và tái sinh tự nhiên chủ yếu bằng hạt.
Nơi phân bố
Rau đắng biển phát triển ở những nơi có môi trường ẩm ướt như đầm lầy, kênh mương, vùng cửa sông ven biển hoặc những bãi biển cát trắng. Ở Việt Nam, rau đắng biển phân bố rộng rãi khắp các vùng đồng bằng miền Bắc và trung du miền Nam.
Trong khi đó, rau đắng đất lại là loài cây ưa sáng, thường mọc trên các hố nông cạn nước vào mùa khô hoặc trên đất pha cát ở các ruộng hoang. Tại Việt Nam, rau đắng đất phân bố dọc theo các tỉnh ven biển từ Nam Định đến vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Tác dụng của rau đắng với sức khỏe
Rau đắng có rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe, trong đó mỗi loại rau sẽ có những tác dụng khác nhau.
Rau đắng biển
Một số tác dụng dược lý của rau đắng biển có thể kể đến là:
- Kích thích não bộ, cải thiện trí nhớ, nâng cao sự tập trung.
- Làm giảm nguy cơ mắc các chứng rối loạn nhận thức ở người cao tuổi như suy giảm trí nhớ, bệnh Alzheimer, giảm tình trạng stress oxy hóa trong não, giúp người già thêm minh mẫn.
- Rau đắng có lợi ích với tâm lý con người, tác động tích cực đến bệnh trầm cảm, suy nhược thần kinh, rối loạn thần kinh chức năng, giúp giảm căng thẳng và lo lắng.
- Hỗ trợ điều trị động kinh, trị chứng rối loạn tăng động giảm chú ý.
Rau đắng đất
Theo Đông y, rau đắng đất có tính mát, vị đắng, không độc, có tác dụng tích cực với đường tiêu hóa, lợi tiểu, hạ nhiệt, giải độc gan hiệu quả,... Vì thế mà những người bị nóng trong người, ăn uống khó tiêu, tiểu gắt buốt, sỏi thận,... có thể dùng rau đắng đất để điều trị.
Trong đời sống hàng ngày, loại rau này còn được dùng để làm thuốc hạ sốt, chữa vàng da, bệnh về gan, trị ngứa và bệnh ngoài da,... Ngoài ra, rau đắng đất cũng rất giàu vitamin C, giúp tăng cường sức đề kháng và cải thiện hệ thống miễn dịch.
Những lưu ý để dùng rau đắng đúng cách
Không nên chỉ ăn rau đắng để giảm cân, không ăn liên tục trên 3 tháng vì sẽ khiến cơ thể rơi vào tình trạng mệt mỏi, nôn nao, buồn nôn, tức bụng và xuất hiện các triệu chứng rối loạn tiêu hóa.
Rau đắng ăn tươi với cháo nóng rất tốt cho sức khỏe, khi ăn nên sử dụng cả phần lá và thân rau. Nếu bạn ngại vị đắng của rau thì có thể nấu thành canh, nấu lẩu hoặc luộc chín rau rồi ăn cùng với thịt kho, cá kho,...
Nếu bạn muốn sử dụng rau đắng như một vị thuốc để cải thiện sức khỏe hoặc chữa bệnh thì cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng. Một số đối tượng cần chú ý khi sử dụng là phụ nữ có thai hay đang cho con bú, người đang dùng loại thuốc khác hoặc có bất kỳ một loại dị ứng nào,...
Với rau đắng biển, không dùng cho trẻ em dưới 5 tuổi. Liều dùng khuyến cáo dành cho người lớn là 300mg chiết xuất rau đắng biển, dùng trong thời gian giới hạn (không quá 12 tuần). Còn rau đắng đất thì có thể sắc nước uống hoặc phối hợp với các vị thuốc khác, sử dụng 20 - 30g mỗi ngày.
Trên đây là những thông tin giúp bạn hiểu rõ hơn về cách phân biệt, tác dụng của rau đắng biển và rau đắng đất cũng như những lưu ý khi sử dụng. Mong rằng qua bài viết bạn sẽ hiểu hơn về loại rau này, từ đó có cách sử dụng cho hiệu quả.
Cẩm Ly
Nguồn tham khảo: hellobacsi.com