Đa phần những món ăn vặt mà người TP.HCM thích là những món trộn, có 3 đến 4 nguyên liệu trở lên, được trộn đậm đà, đẫm gia vị. Ở TP.HCM, ngoài hưng thịnh bánh tráng trộn, tré trộn còn có gỏi khô bò. Mà ai ở TP.HCM lâu, nói đến gỏi khô bò đều "nhảy số" trong đầu xe gỏi khô bò Lê Văn Tám.
Sở dĩ, xe gỏi khô bò của dì Sáu (hơn 60 tuổi, quê ở An Giang) nổi tiếng xưa nay với tên Lê Văn Tám vì xe đậu ngay bên lề, chếch trước cổng một toà nhà, đối diện công viên Lê Văn Tám.
Xe gỏi khô bò quen mặt mọi lớp tuổi
Xe gỏi khô bò này tồn tại gần nửa thế kỷ, thế nên khách quen của quán ở mọi lớp tuổi, có ông bà đã 60, có những bạn nhỏ chỉ vừa Trung học cơ sở. Dì Sáu kể từ hồi xưa lâu lắm, dì Sáu bán phụ cho dì của mình, sau vài năm thì được để lại, cứ thế làm chủ chiếc xe gỏi khô bò đến bây giờ. Hồi xưa bán có 50 xu, lên năm bảy nghìn, rồi lên mười lăm, giờ một dĩa đã hai mươi lăm nghìn.
Dì Nga (57 tuổi, sống và làm việc tại TP.HCM) - khách "ruột" của gỏi khô bò Lê Văn Tám chia sẻ: "Cô ăn ở đây lâu lắm rồi, vì hồi xưa cô làm gần đây mỗi ngày đều ra ăn suốt, từ năm 2006, đến giờ cũng gần 20 năm. Bây giờ cô chuyển công ty ở chỗ xa hơn, thì ít ghé được thường xuyên như trước, thế nhưng cô cứ kiếm dịp để ghé, ví dụ như hôm nay cô cho nhân viên tan làm sớm, rủ mọi người sang đây ăn.
Thời cô ăn lúc đó một dĩa có 3000đ - 4000đ thôi, sau lên 7000đ, sau lên 15.000đ, giờ thì 25.000đ. Dù xa nhưng thèm lắm nên cứ phải lặn lội qua đây ăn, tụi cô không những ăn tại đây mà nhiều khi đi quán cà phê cũng ghé mua mang theo vào quán cà phê ăn.
Ở khu vực của cô cũng có bán gỏi khô bò nhưng mà không ngon, gỏi khô bò Lê Văn Tám ngon lắm, nó khác ở chỗ nước sốt, nước sốt ngon không ở đâu bằng, bánh phồng thì tuy không xốp mềm bằng hồi xưa nhưng hương vị vẫn vậy, cô vẫn tâm đắc. Thậm chí, cô chỉ cho con trai từ ở Quận 9 lên đây ăn, cuối tuần chở cháu nội đi công viên chơi thì nhớ ghé."
Thành phần của dĩa gỏi cũng hệt như mọi nơi bán món gỏi khô bò TP.HCM: đu đủ bào sợi, bánh phồng tôm, rau răm, thịt bò khô, đậu phộng cùng nước tương, sốt ớt sệt. Tuy nhiên, quán "độc quyền" phần công thức nước sốt riêng ai cũng nghiện, và ăn kèm loại bánh phồng tôm màu cam giòn, hơi cứng khác với các chỗ khác dùng bánh phồng tôm tròn, màu trắng.
Dĩa gỏi khô bò chinh phục thực khách vì ăn kèm bánh phồng tôm lạ và nước sốt ớt độc nhất.
"Dì cũng không rõ công thức làm từng nguyên liệu như thế nào, vì thịt bò khô, nước chấm, nước sốt đều do chị của dì làm, dì chỉ mang đi bán. Mọi người trong gia đình cũng phụ vì số lượng mỗi ngày phải làm rất nhiều, nhưng làm hay nêm nếm chính vẫn là bà chị." - Dì Sáu cho biết.
Chị Vy - nhân viên văn phòng: "Mình ăn ở đây lâu lắm rồi, từ khi còn học cấp 2, khoảng hơn 10 năm, gỏi khô bò ở đây đơn giản mà ngon, mặc dù không ăn thường xuyên được nhưng mình giới thiệu cho nhiều người lắm, ví dụ như mẹ là khách quen ở đây cũng do mình dẫn tới (chị cười)".
Lý do rõ ràng để khách hàng của dì Sáu rải đều ở nhiều lớp tuổi, là vì địa bàn bán lý tưởng - công viên. Khách của dì là những cô chú lớn tuổi đi tập thể dục rồi ngồi lại gốc cây nghỉ ngơi, là những anh chị đồng nghiệp tan làm sớm cần điểm hẹn, là những gia đình nhỏ dắt các bé chạy nhảy ở công viên... Cứ chiều tầm 3-4 giờ, nắng đổ vàng, mọi người thong thả ngồi hóng mát, nhìn công viên xanh sáng, vừa nhai miếng gỏi khô bò vừa trò chuyện, cái thú ăn gỏi ngon quay ngược lưng ra đường này như thách thức dòng người đang mệt mỏi vì inh ỏi kèn xe, hả dạ vô cùng.
Xe hàng rong cần đến 10 người phụ bán, điều phối bằng bộ đàm
Mỗi ngày từ 1 giờ trưa đến 9 giờ tối, chiếc xe gần như "náo loạn" khúc giao Hai Bà Trưng, Võ Thị Sáu vì độ đông khách của mình.
Trước chiếc xe gỏi không bao giờ ngơi khách, ít thì 4-5 chiếc đậu, mà nhiều thì có đến cả 10, cứ gạc chống nối tiếp nhau dọc theo lề, bỏ xa xe gỏi khô bò cả một đoạn để tránh kẹt xe, an tâm sẽ có nhân viên đến hỏi. Đứng xung quanh một chiếc xe nhỏ xíu mà có đến 6 người phụ. Dì Sáu sẽ cân đo liều lượng từng nguyên liệu cho vào bịch, còn chị em, con cháu của dì người cột bịch nước sốt, người đóng hộp, người thối tiền, thoăn thoắt tay mà có khi chẳng kịp. Thế nhưng góc bán này chỉ dành cho khách mua mang đi, địa bàn bán chính vẫn "khoán" cho bên công viên Lê Văn Tám.
Phía bên công viên đối diện xe gỏi chuyên dành cho khách muốn ăn tại chỗ, cứ đậu xe lên vỉa hè, sẽ có người xếp xe ngay ngắn, đưa cho mỗi người một miếng bìa carton, lót đại đâu đó trong khuôn viên mà ngồi. Vì khuôn viên rộng, người sinh hoạt đông, nên lúc nào cũng rôm rả khách, đứng mới có 30 phút, đã thấy 4 lượt khách đến khách đi, khi đông thì khoảng 50 người có lẽ.
Nhẩm một ngày dì bán, tổng chắc phải hơn 5000 dĩa, mà hỏi xem số lượng thì dì cười ngại ngùng, bảo tầm đó chứ không nói rõ hơn.
Nghe kể một điều thú vị là có người ăn gỏi khô bò đến năm bảy năm, vẫn không biết mặt dì Sáu. Chính vì tại phía công viên, dì phân công có 4-5 người túc trực, bạn vừa đến đã nhanh nhẹn phục vụ cho chỗ ngồi sạch sẽ, gọi bao nhiêu dĩa nhân viên sẽ báo lại qua bộ đàm cho dì, chưa đầy 5 phút sẽ có người bưng mâm phủ tấm ni-lông tránh bụi bưng từ bên kia đường tới.
Mà ngay công viên, cũng đậu luôn chiếc "Dream", tay lái treo bộ đàm, kèm đủ nguyên liệu để chêm nhanh nếu khách thiếu đậu phộng, xin thêm rau, vừa rớt đôi đũa... Có lẽ đông khách cũng chính vì sự hồ hởi, tận tâm của người phụ.
Bộ đàm mà nhân viên giữa hai "địa bàn" tiện liên lạc để phục vụ nhanh chóng cho khách.
Lời đồn bán gỏi khô bò, nuôi con du học Mỹ
Nhắc về xe gỏi khô bò Lê Văn Tám, người ta còn đồn nhau: "Dì Sáu bán đắt dữ lắm, dì Sáu giàu, bán gỏi khô bò mà nuôi con đi du học Mỹ."
Chứng kiến sự đông khách của dì, ai cũng tin 8-9 phần. Vì bán độc nhất một món, nhưng cần đến cả chục người phụ, chưa kể còn đội ngũ làm nguyên liệu ở nhà, là ai cũng biết phải khấm khá lắm.
Đem lời đồn đi hỏi dì Sáu, ban đầu dì cười tủm tỉm, rồi lắc đầu: "Người ta đồn vậy thôi con ơi!". Nhưng lát hồi biết thêm tí chút, là dì có người con trai, được dì cho đi học ở bên Mỹ thật. Chắc vì đi làm cực khổ, dì muốn con thoát cái nghèo, nên vợ chồng thủ thỉ nhau tằn tiện cho con đi xa, học cao để biết rộng.
Thế nhưng không phải chỉ xe hàng rong này mà dì nuôi được con trai đi du học bên Mỹ, thời đó, chồng dì cũng phải đi làm cực khổ, hai vợ chồng mượn thêm nợ, để ráng nuôi con. Bây giờ con dì cũng học xong rồi, mà dì thì còn sức thì vẫn còn bán, với lại cũng là "người thương, chốn nhớ" với bao thực khách mê món gỏi khô bò suốt mấy mươi năm tại TP.HCM, là nguồn kinh tế chính trả lương cho bao nhiêu người phụ, đâu phải thong dong nuôi con xong nói bỏ là bỏ.