Chỉ số triglyceride máu được sử dụng trong việc xác định hội chứng chuyển hóa và rối loạn mỡ máu. Triglyceride cao liên quan đến xơ vữa động mạch cảnh, vôi hóa động mạch vành và nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch. Vậy bao lâu nên xét nghiệm triglyceride và xét nghiệm ở đâu để có kết quả nhanh chóng - chính xác - kịp thời?
Chỉ số triglyceride là gì?
Triglyceride (hay triacylglycerol) là chất béo trung tính, bao gồm sự kết hợp từ 3 axit béo được este hóa thành một phân tử glixerol. Đây là dạng lipid chính có trong mỡ động vật (mỡ heo, da gà, da vịt, da heo, mỡ bò…) và dầu thực vật (dầu dừa, bơ, đậu phộng…). (1)
Sau đó, các chất béo này được cơ thể phân tách và hấp thụ thành năng lượng. Nhưng nếu số lượng chất béo ăn vào quá nhiều so với nhu cầu cơ thể, nồng độ triglyceride trong máu tích tụ, tăng cao dẫn đến nguy cơ rối loạn mỡ máu, bệnh tim, viêm tụy, đái tháo đường…
Chỉ số triglyceride có ý nghĩa rất quan trọng; chỉ số này giúp các bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh, góp phần cho việc chẩn đoán các bệnh về tim, mạch máu.
Xét nghiệm triglyceride là gì?
Để đánh giá toàn diện các xét nghiệm về mỡ máu, người bệnh thường được xét nghiệm 4 chỉ số: cholesterol toàn phần, triglyceride (chất béo trung tính), LDL-cholesterol (mỡ máu xấu), HDL-cholesterol (mỡ máu tốt).
Xét nghiệm triglyceride với mục đích gì?
Chất béo trung tính triglyceride chiếm tới 95% tổng lượng chất béo được đưa vào cơ thể mỗi ngày khi ăn uống, chủ yếu mỡ động vật và dầu thực vật. Vì vậy, xét nghiệm triglyceride có ý nghĩa quan trọng trong việc kiểm tra sức khỏe: (2)
- Đánh giá nguy cơ mắc bệnh rối loạn mỡ máu, nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường…
- Giúp người bệnh cải thiện lối sống lành mạnh, tích cực
- Tránh biến chứng, nguy cơ do rối loạn mỡ máu gây ra.
Giá trị của chỉ số triglyceride và cách đọc kết quả
Cầm kết quả xét nghiệm mỡ máu trên tay, không phải ai cũng biết cách đọc chỉ số xét triglyceride. Dưới đây là cách hướng dẫn đọc kết quả các chỉ số mỡ máu:
Chỉ số triglyceride | Mức độ |
Dưới 150 mg/dL (1,7 mmol/L) | Bình thường |
150 - 199 mg/dL (1.7 - 2 mmol/L) | Vượt mức bình thường |
200 - 499 mg/dL (2 - 6 mmol/L) | Cao |
Trên 500 mg/dL (trên 6 mmol/L) | Rất cao |
Những yếu tố tác động đến việc đánh giá chỉ số triglyceride
- Thức ăn: nhịn ăn ít nhất từ 8 - 12 tiếng trước xét nghiệm và không uống bia rượu 24 giờ, uống bia rượu dẫn sẽ đến kết quả không chính xác.
- Thuốc: một số loại thuốc đang uống có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm triglyceride như thuốc ngừa thai, lợi tiểu, corticosteroid, dextrothyroxine, metformin…
- Độ tuổi: mỗi đối tượng (trẻ nhỏ, người trưởng thành, người lớn) sẽ có chỉ số tham chiếu triglyceride khác nhau; do đó, khi đến khám bệnh và thực hiện xét nghiệm, người bệnh phải khai báo thông tin cho bác sĩ và kỹ thuật viên.
- Cơ sở y tế: để có kết quả xét nghiệm mỡ máu chuẩn xác, người bệnh cần thực hiện ở cơ sở y tế có máy móc hiện đại, luôn có đầy đủ sinh phẩm, hóa chất và thường được kiểm định chất lượng thường xuyên để có kết quả chính xác.
- Một số yếu tố khác: một vài trường hợp, người bệnh có kết quả xét nghiệm triglyceride không chính xác do mang thai (nồng độ triglyceride máu ở thời gian đầu mang thai thường thấp hơn so bình thường), cường giáp, hội chứng thận hư, di truyền, béo phì… nhưng chưa được phát hiện.
Chỉ số triglyceride chẩn đoán bệnh gì?
- Rối loạn mỡ máu: bên cạnh xét nghiệm các chỉ số cholesterol toàn phần, LDL - cholesterol (mỡ máu xấu), HDL - cholesterol (mỡ máu tốt) thì xét nghiệm định lượng triglyceride máu sẽ giúp bác sĩ nhìn tổng quát hơn về tình trạng mỡ máu của bệnh nhân. Bởi khi triglyceride quá nhiều sẽ bám vào các thành mạch tạo các mảng mỡ bám trên động mạch, cản trở quá trình lưu thông máu. Chỉ số triglyceride cao cảnh báo nguy cơ xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, mỡ máu, gan nhiễm mỡ, đột quỵ…
- Tăng huyết áp: chất béo trung tính triglyceride bám nhiều trong lòng mạch máu gây chít hẹp, cản trở máu lưu thông, gia tăng áp lực lên thành mạch, dẫn đến bệnh tăng huyết áp.
- Viêm tụy: có nhiều nguyên nhân gây ra như nghiện rượu, sỏi mật và tăng triglyceride máu. Viêm tụy cấp xảy ra khi nồng độ triglyceride vượt quá 1000 mg/dL, lúc này trong các mao mạch xuất hiện thường xuyên chylomicrons (một chất được tạo ra sau ăn và thường được dọn sạch sau 8 giờ), với kích thước rất lớn gây tắc nghẽn các mao mạch tụy, dẫn đến thiếu máu gây hoại tử tụy và toan hóa máu, dẫn đến viêm tụy cấp. Viêm tụy cấp thường xảy ra khi nồng độ triglyceride trên 20 mmol/l.
- Gan nhiễm mỡ: triglyceride được sản sinh từ 2 nguồn: thức ăn vào hàng ngày và do gan tổng hợp. Thế nhưng khi triglyceride quá nhiều sẽ khiến tế bào gan nhiễm mỡ.
- Bệnh mạch vành: Tăng triglyceride máu làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch vành, dễ dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc cơn đột quỵ.
Phương pháp kiểm soát chỉ số triglyceride bình thường
Nếu kết quả xét nghiệm chỉ số triglyceride tăng cao, người bệnh cần thay đổi một số thói quen trong cuộc sống hàng ngày nhằm giúp ổn định, duy trì nồng độ triglyceride bình thường theo một số gợi ý sau:
1. Ăn uống lành mạnh:
- Nên ăn: sử dụng tinh bột nguyên cám, nhiều chất xơ (gạo lứt, yến mạch, bánh mì đen…); tăng cường sử dụng các loại hạt (óc chó, đậu phộng, hạnh nhân, hạt bí…); khẩu phần cá nhiều hơn thịt vì cá chứa axit béo không no, không tượng tích tụ mỡ máu xấu, sử dụng thịt nạc, rau xanh và trái cây chứa nhiều chất xơ.
- Hạn chế ăn: chất béo (da heo, da bò, da gà, da vịt, thịt mỡ…), thức ăn chế biến sẵn (xúc xích, cá viên chiên, nem nướng, thịt đóng hộp…), hạn chế rượu bia, bỏ thuốc lá.
2. Tập thể dục:
- Ít nhất 30 phút mỗi ngày, liên tục 5 ngày trong tuần sẽ giúp đào thải mỡ máu xấu khỏi cơ thể, tăng độ dẻo dai, săn chắc cho cơ bắp. Khám sức khỏe định kỳ tối thiểu 6 tháng/lần.
Bao lâu nên xét nghiệm tầm soát chỉ số mỡ máu triglyceride
Để đánh giá một người có bị “mỡ máu xấu” hay không, bác sĩ sẽ cho thực hiện các chỉ số cholesterol toàn phần, LDL-cholesterol, HDL-cholesterol, triglyceride. Dựa trên kết quả tổng quát này, bác sĩ sẽ nhận định các mức độ mỡ máu gây ra có ảnh hưởng đến nguy cơ bị rối loạn mỡ máu, tim mạch, viêm tụy… hay không.
- Trẻ em: lúc 9 - 11 tuổi cần xét nghiệm một lần và đến khi 17 - 21 tuổi cần xét nghiệm lại lần nữa.
- Người trẻ: nhiều người sống ở khu vực thành thị, ít hoạt động thể lực, ăn nhiều thức ăn nhanh, dẫn đến xu hướng bị mỡ máu xấu ngày càng trẻ hóa. Người bệnh cần khám sức khỏe tổng quát mỗi năm 1 lần, qua đó tầm soát nồng độ triglyceride.
- Người lớn: nam giới 40-55 tuổi và nữ giới 50-65 tuổi chưa ghi nhận có bệnh nền cũng nên xét nghiệm triglyceride 2 lần/năm để kịp thời điều chỉnh, cải thiện mỡ máu xấu.
- Người bệnh nền: với người có bệnh nền như tim mạch, đái tháo đường, viêm tụy, rối loạn mỡ máu, gia đình có bệnh cholesterol cao… sẽ được xét nghiệm thường xuyên hơn theo chỉ định của bác sĩ, có thể 4 - 6 lần/năm.
Nên làm xét nghiệm triglyceride ở cơ sở y tế nào?
- Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM có Trung tâm Xét nghiệm đạt chuẩn ISO 15189: 2012 và đạt tiêu chuẩn An toàn sinh học cấp 2.
- Hệ thống máy móc, thiết bị y khoa hiện đại, đồng bộ… được nhập khẩu chính hãng từ các nước Âu - Mỹ để cho kết quả chính xác, nhanh chóng, kịp thời của từng bộ phận như: Huyết học - Truyền máu, Hóa sinh - Miễn dịch, Vi sinh - Ký sinh trùng, Sinh học phân tử.
- Hệ thống BVĐK Tâm Anh có lợi thế là bệnh viện đa khoa, quy tụ những chuyên gia hàng đầu Việt Nam, bác sĩ giàu kinh nghiệm nên việc phối hợp điều trị thuận lợi, chính xác, chuẩn quốc tế.
- Chi phí hợp lý, đáp ứng nhu cầu của khách hàng để thực hiện các dịch vụ xét nghiệm cơ bản, chuyên sâu với các chuyên gia, bác sĩ giỏi.
Để đặt lịch khám và điều trị với các chuyên gia đầu ngành tại Trung tâm Tiết niệu Thận học, Khoa Nam học - Tiết niệu Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, quý khách có thể đặt hẹn trực tuyến qua các cách sau đây:
- Gọi tổng đài 0287 102 6789 - 093 180 6858 (TP HCM) hoặc 024 3872 3872 - 024 7106 6858 (Hà Nội) để đăng ký lịch hẹn khám bệnh riêng với chuyên gia, thông qua nhân viên chăm sóc khách hàng.
- Đăng ký hẹn khám bệnh với bất kỳ bác sĩ nào mà mình tin tưởng tại đường link:https://tamanhhospital.vn/danh-cho-khach-hang/dat-lich-kham/
- Gửi tin nhắn trên Fanpage Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh hoặc Fanpage Tiết niệu - Nam học BVĐK Tâm Anh
- Nhắn tin qua Zalo OA của BVĐK Tâm Anh.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
- Hà Nội:
- 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, TP.Hà Nội
- Hotline: 024 3872 3872 - 024 7106 6858
- TP.HCM:
- 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh
- Hotline: 093 180 6858 - 0287 102 6789
- Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh
- Website: https://tamanhhospital.vn
Xét nghiệm triglyceride là xét nghiệm cơ bản để bác sĩ xem xét về tình trạng mỡ máu của người bệnh. Nhờ xét nghiệm định kỳ, tuân thủ chỉ định của bác sĩ nên việc phát hiện sớm tình trạng bệnh, lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp với từng cá thể, giúp người bệnh ngăn ngừa nguy cơ rối loạn mỡ máu, tim mạch hoặc cải thiện tình trạng bệnh, hạn chế nguy cơ biến chứng xảy ra.