Yaourt là thực phẩm vô cùng quen thuộc với mọi người vì có hương vị chua ngọt dễ ăn, bổ dưỡng, phù hợp cho mọi lứa tuổi. Không những thế nó còn được biến tấu thành nhiều món ngon hấp dẫn, từ các món ăn vặt như bánh ngọt, sinh tố, kem… đến các món salad giàu dinh dưỡng. Trong chuyên mục Wiki pha chế của Hướng Nghiệp Á Âu, bạn có thể tích lũy thêm cho mình những kiến thức hữu ích như yaourt là gì, tác dụng của yaourt đối với sức khỏe và các lưu ý khi ăn yaourt nhé!
Yaourt luôn là món ăn được cả trẻ em và người lớn mê mẩn. Ảnh: Internet
Yaourt vừa ngon vừa mát, lại có lợi cho sức khoẻ vì rất tốt cho hệ tiêu hoá. Đây là thực phẩm không thể thiếu trong mỗi gia đình vào những ngày nóng bức nhờ đem lại cảm giác mát lạnh, giúp bổ sung năng lượng và kích thích ăn ngon miệng.
Yaourt là gì?
Yaourt chính là tên gọi bằng tiếng Pháp của sữa chua. Đây là thực phẩm được tạo ra từ quá trình lên men sữa của các vi khuẩn với thời gian ủ đảm bảo độ cân bằng nhiệt và men. Hầu hết các loại sữa đều có thể dùng làm yaourt, nhưng sữa bò tươi được dùng phổ biến hơn cả. Quá trình chủ yếu xảy ra trong lên men sữa chua là đường lactoza chuyển thành đường glucoza, sau đó các đường đơn này chuyển thành axit piruvic, rồi chuyển thành axit lactic.
Yaourt được tạo ra trong hoàn cảnh hết sức tình cờ. Ảnh: Internet
Yaourt có nguồn gốc từ Bulgaria và đã xuất hiện từ rất lâu đời. Khoảng 4000 năm trước, những người du mục đã dùng túi da cừu hoặc da dê để đựng sữa khi lang thang qua các thảo nguyên. Điều này tình cờ tạo ra môi trường phù hợp cho vi khuẩn phát triển, sữa trong túi lên men, cô đặc lại và có vị chua rất lạ. Nhờ vậy, chúng ta biết đến hương vị sữa chua ngày nay.
Tác dụng của Yaourt đối với sức khỏe
Yaourt chứa đầy đủ các chất protein, glucid, lipid, các muối khoáng (nhất là canxi), vitamin (chủ yếu là vitamin nhóm B và A)… nên là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao.
Ngăn ngừa loãng xương
Các vitamin và khoáng chất như canxi, protein, kali, phốt pho trong sữa chua không chỉ giúp xương khỏe mạnh mà còn tăng cường mật độ xương nên giúp ngăn ngừa loãng xương hiệu quả, cải thiện tình trạng suy yếu ở xương ở người cao tuổi.
Canxi giúp xương chắc khỏe. Ảnh: Internet
Tốt cho hệ tiêu hóa
Đặc điểm nổi bật của sữa chua là chứa nhiều lợi khuẩn tốt giúp làm dịu hệ tiêu hóa, điều hòa nhu động ruột nên được xem là một trong những thực phẩm cực kỳ có lợi cho hệ tiêu hóa.
Ăn sữa chua cũng giúp cải thiện tình trạng tình trạng biếng ăn ở trẻ, nhờ lợi khuẩn giúp cân bằng hệ vi sinh có ích trong đường ruột, cải thiện hệ thống tiêu hóa, giúp trẻ ăn ngon và tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng.
Ngoài ra, chất kháng sinh lactocidine có trong sữa chua rất hữu ích trong việc điều trị tiêu chảy.
Tăng cường miễn dịch
Tác dụng này là nhờ khả năng chống lại các vi trùng gây bệnh và giữ cho đường ruột luôn khỏe mạnh, từ đó làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh. Khi bổ sung các khoáng chất như magiê, kẽm và selen vào cơ thể sẽ giúp hệ thống miễn dịch được tăng cường, cơ thể khó bị tấn công bởi nhiều loại vi khuẩn bệnh từ môi trường bên ngoài.
Sữa chua là lựa chọn lý tưởng để tăng cường sức đề kháng. Ảnh: Internet
Giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng
Theo một phân tích mới của các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Harvard T.H. Trường Y tế Công cộng Chan ở Boston, MA và nhiều tổ chức hợp tác, khi tiêu thụ 2 hoặc nhiều khẩu phần sữa chua mỗi tuần sẽ làm giảm 19% nguy cơ ung thư đại trực tràng.
Các bác sĩ cho biết, men vi sinh Lactobacillus bulgaricus và Streptococcus thermophilus trong sữa chua có thể làm giảm độ pH trong ruột kết xuống thấp, giảm mức độ phát triển của các chất gây ung thư, trong đó có ung thư đại trực tràng.
Hỗ trợ điều trị cảm lạnh
Ăn sữa chua không chỉ hỗ trợ tăng sức đề kháng, có khả năng chống lại các bệnh cảm lạnh, cảm cúm, mà còn giúp cơ thể mau chống phục hồi khi mắc bệnh, nhờ bổ sung các vitamin B12, A và C.
Kiểm soát cân nặng hiệu quả
Mặc dù không trực tiếp tham gia vào quá trình tăng hay giảm cân nhưng sữa chua có một số đặc tính có thể giúp kiểm soát cân nặng. Đó là nhờ chứa hàm lượng protein cao, hoạt động cùng với canxi để tăng nồng độ các loại hormone làm giảm cảm giác thèm ăn.
“Nạp” sữa chua thường xuyên cũng giúp cơ thể giảm căng thẳng, giảm lượng cortisol là nguyên nhân khiến mỡ tích tụ, nhất là vùng quanh eo, góp phần giúp bạn nhanh chóng lấy lại vóc dáng thon gọn.
Nhanh chóng lấy lại vòng eo “con kiến” bằng việc ăn sữa chua không đường. Ảnh: Internet
Ngăn ngừa cao huyết áp
Canxi có khả năng “thư giãn” các mạch máu, cho phép những mạch máu có thể mở rộng một ít từ đó giảm được huyết áp tăng cao. Những người có xu hướng ăn mặn và tiêu thụ nhiều muối nên ăn sữa chua thường xuyên sẽ giúp hạn chế các bệnh về huyết áp, thận cũng như bảo vệ sức khỏe tim mạch tốt hơn.
Canxi trong sữa chua giúp giảm chứng tăng huyết áp. Ảnh: Internet
Những lưu ý khi sử dụng yaourt để tốt nhất cho sức khỏe
Yaourt là món ăn ngon, bổ dưỡng, tuy nhiên, để đạt được các lợi ích mong muốn bạn nên biết sử dụng một cách hợp lý, đặc biệt cần ghi nhớ một số điểm sau:
- Không nên ăn ngay trước bữa ăn hay vào lúc đói vì sẽ khiến các lợi khuẩn dễ bị acid dạ dày tiêu diệt, làm giảm tác dụng của sữa chua.
- Nên bảo quản sữa chua trong tủ lạnh, tốt nhất sử dụng trong vòng một tuần kể cả khi mua sẵn hay tự làm tại nhà.
Ngăn mát tủ lạnh với nhiệt độ từ 6 - 8 độ C là điều kiện lý tưởng để bảo quản sữa chua. Ảnh: Internet
- Hạn chế để sữa chua trên ngăn đá cho đông cứng vì các lợi khuẩn probiotic sẽ bị tiêu diệt bởi nhiệt độ quá lạnh.
- Không đun nóng sữa chua vì sẽ làm mất tác dụng hữu ích và hương vị đặc trưng.
- Khi cho trẻ nhỏ ăn, bạn nên lấy sữa chua ra khỏi tủ lạnh trước 15 - 30 phút để tránh làm trẻ bị viêm họng. Trong trường hợp cần dùng gấp, có thể làm ấm bằng cách đặt sữa chua vào chén nước nóng khoảng 60 - 80 độ C.
- Nếu mua sữa chua bên ngoài, cần xem kỹ hạn sử dụng in trên bao bì để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
- Không ăn sữa chua với lạp xưởng, thịt hun khói… những loại thịt chế biến nhiều dầu mỡ.
Gợi ý các món ăn cùng Yaourt
Bạn có thể ăn sữa chua có đường hoặc không đường, kết hợp với các loại rau củ, trái cây để đẹp da. Nếu không có nhiều thời gian, bạn có thể mua sữa chua có sẵn các hương vị đa dạng như: dâu, dứa, việt quất, lựu đỏ, cốm… vừa tiện lợi lại thơm ngon.
Bên cạnh đó, bạn có thể biến tấu một chút để sữa chua trở nên những món ăn lạ miệng, hấp dẫn hơn. Cách đơn giản nhất là trộn cùng các loại trái cây như: mít, xoài, bơ, táo, vải, chanh dây… để làm nên món yaourt trái cây thanh mát, chất chống oxy hóa để da tươi trẻ.
Kết hợp với các loại topping đa dạng như: hạt đác, nha đam, nếp cẩm, rau câu, sương sáo, trân châu, phô mai, thạch củ năng, thạch trái cây…
Sữa chua trân châu nếp cẩm từng là món ăn vặt gây sốt trong giới trẻ. Ảnh: Internet
Sữa chua mít thanh mát, giải nhiệt ngày hè được nhiều người ưa thích. Ảnh: Internet
Trộn sữa chua cùng xà lách, bắp cải, cà rốt, cà chua, hành tây, giấm táo, dầu oliu… sẽ tạo ra món salad chua chua, béo béo giúp kích thích vị giác để bữa cơm gia đình thêm ngon miệng.
Ngũ cốc kết hợp cùng sữa chua là lựa chọn hoàn hảo cho bữa sáng đơn giản mà vẫn đảm bảo đầy đủ năng lượng. Bạn chọn loại ngũ cốc ăn liền (corn flake) theo hương vị yêu thích như: yến mạch, dâu tây sấy, chuối sấy, hạnh nhân, nam việt quất, dừa nướng, nho khô, bắp, hạt bí…
Vị giòn tan của ngũ cốc hòa vào sữa chua dẻo mịn tạo nên sự tương phản thú vị. Ảnh: Internet
Bạn cũng có thể ăn kèm sữa chua với một số loại bánh mì, bánh ngọt như: bánh chuối đốt rượu, pancake, bánh táo, bánh khoai lang, bánh bao…
Nên ăn sữa chua khi nào? Ăn bao nhiêu là hợp lý?
Thời điểm lý tưởng ăn sữa chua để nhận được tối đa các tác dụng cho sức khỏe và sắc đẹp là:
- Sau bữa ăn từ 1 - 2 tiếng như một món tráng miệng, giúp lợi khuẩn phát triển tốt hơn và hỗ trợ tiêu hóa.
- Buổi xế chiều khi làm việc với máy tính trong thời gian dài, sử dụng điện thoại lâu hay ngồi xem ti vi nhiều giờ liền. Ăn sữa chua lúc này sẽ giúp cơ thể tăng sức đề kháng, chống lại những tổn hại do bức xạ từ các thiết bị điện tử gây ra. Bạn sẽ nhanh chóng lấy lại năng lượng để làm việc hiệu quả, khỏe khoắn và năng động hơn.
- Trước khi ngủ 1 - 2 tiếng là thời điểm tốt để cơ thể hấp thụ canxi tối đa, góp phần giúp xương chắc khỏe và tăng chiều cao hơn hẳn.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, người lớn có thể sử dụng 2 hũ sữa chua (tương đương 200 - 250g) mỗi ngày để tốt cho hệ tiêu hóa, tăng khả năng miễn dịch cho cơ thể. Còn trẻ em dưới 1 tuổi chỉ nên ăn 1/4 đến 1/2 hũ, trẻ từ 1 đến 3 tuổi có thể ăn 1/2 hũ và trẻ từ 3 tuổi thì có thể ăn 1 đến 2 hũ yaourt mỗi ngày.
Ăn nhiều sữa chua có tốt không?
Giống như bất kỳ thực phẩm nào khác, sữa chua rất có lợi nhưng cũng có hại cho sức khỏe nếu ăn quá nhiều và không hợp lý. Bởi có thể gây ra tình trạng khó tiêu, béo phì, dị ứng, sâu răng, khiến bệnh đau dạ dày thêm trầm trọng.
Đặc biệt, đối với những bệnh nhân tiểu đường, xơ vữa động mạch, viêm túi mật và viêm tụy thì không nên sử dụng loại sữa chua có đường và hàm lượng chất béo cao nếu không muốn bệnh tình ngày càng trầm trọng.
Ăn sữa chua đúng cách để không gây hại cho sức khỏe. Ảnh: Internet
Vậy là qua bài viết trên đây, bạn đã biết yaourt là gì cũng như tác dụng của yaourt để bổ sung thêm vào thực đơn hằng ngày một vài biến tấu thú vị của yaourt rồi. Chúc các bạn luôn có được một sức khỏe và vóc dáng như ý nhé!
Tiếp theo, mời bạn tham khảo bài viết những điểm mạnh của mô hình kinh doanh sữa chua tại website của chúng tôi ngay nhé.